Thiếu máu não là gì?
Thiếu máu não là tình trạng giảm lưu lượng máu tới não, dẫn tới giảm cung cấp O2, glucose và dưỡng chất cho các hoạt động của não bộ, khiến tế bào thần kinh thiếu năng lượng, ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh trung ương. Thiếu máu não là bệnh thường gặp ở người cao tuổi hoặc đối tượng có các bệnh nền như: Cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường… Tuy nhiên, tình trạng này đang có xu hướng trẻ hóa, nhất là những người thường xuyên căng thẳng, stress trong công việc và cuộc sống, ăn uống không khoa học hoặc có lối sống thụ động…
Thiếu máu não do nhiều nguyên nhân gây ra
Bệnh thiếu máu não có rất nhiều triệu chứng, phổ biến nhất là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Tuy xảy ra thường xuyên, liên tục nhưng những triệu chứng này giống với nhiều tình trạng sức khỏe thông thường khác nên rất khó phân biệt, nhiều người chỉ uống thuốc giảm đau qua loa rồi chờ cho các triệu chứng tự hết. Họ chỉ biết mình bị thiếu máu não khi bệnh tiến triển nặng hơn, các cơn đau trở nên dữ dội kéo dài, thường xuyên choáng váng, mất thăng bằng, mệt mỏi, khó tập trung vào công việc, dễ cáu gắt, rối loạn giấc ngủ... Điều này không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn ảnh hưởng tới cả những người xung quanh.
>>> Xem thêm: Thiếu máu não thoáng qua là gì?
Người bị thiếu máu não uống thuốc gì?
Hiện nay, có nhiều lựa chọn trong việc điều trị thiếu máu não. Mục tiêu chính là giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạch và khôi phục lại lưu lượng máu cần thiết, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ xảy ra. Những nhóm thuốc được dùng trong trường hợp này là:
Thuốc chống kết tập tiểu cầu
Nhóm thuốc này làm cho các tế bào tiểu cầu trong máu ít có khả năng tập hợp lại và tạo cơ hội hình thành cục máu đông, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Trong đó, aspirin là thuốc phổ biến và có giá thành vừa phải nhất.
Thuốc chống đông máu
Tương tự như nhóm chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông máu được dùng để nhắm đến các protein ảnh hưởng đến quá trình đông máu, ngăn chặn hình thành cục huyết khối, giúp tăng lưu lượng máu não.
Thuốc chống đông máu giúp ngăn chặn sự hình thành huyết khối
Thuốc tiêu huyết khối
Có tác dụng làm tan cục máu đông – thủ phạm gây tắc mạch, cản trở máu đưa oxy lên não. Tiêu biểu trong nhóm thuốc tiêu huyết khối là streptokinase.
Thuốc cải thiện tuần hoàn não
Mỗi loại thuốc trong nhóm này tác động theo từng cơ chế khác nhau, chẳng hạn: Stugeron làm giãn mạch máu não, duxil tăng cường cung cấp oxy cho não hoặc piracetam giúp tăng lưu thông mạch máu. Piracetam có tác dụng tăng chuyển hóa oxy và glucose trên não, giúp phục hồi các tổn thương não, duy trì khả năng tổng hợp năng lượng, từ đó cải thiện tình trạng mất trí nhớ, thiếu tập trung, chóng mặt…
Thuốc hạ huyết áp
Dùng để ngăn chặn biến chứng, phục hồi lưu lượng máu lên não, hạn chế tình trạng thiếu oxy trong não. Các loại thuốc hạ huyết áp thường được dùng là: Enalapril, captopril, losartan, acebutolol, amlodipin, chlorthalidone, terazosin, carvedilol,…
Thuốc giảm đau
Một trong những triệu chứng khó chịu nhất của thiếu máu não là đau đầu. Để kiểm soát tình trạng này, các thuốc giảm đau đầu có thể được sử dụng, điển hình là paracetamol, ibuprofen.
Paracetamol được dùng cho người bị đau đầu do thiếu máu não
>>> Xem thêm: Thiếu máu não nên ăn gì?
Tác dụng phụ của các thuốc điều trị thiếu máu não
Về cơ bản, các thuốc được dùng để điều trị thiếu máu não có thể cải thiện nhanh những triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt… Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích đó, thuốc còn có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ, bao gồm:
- Thuốc tiêu huyết khối: Tác dụng phụ thường gặp nhất của nhóm thuốc này là làm tăng nguy cơ chảy máu, nhất là ở những vết thương hở. Bên cạnh đó, các triệu chứng như: Sốt, hạ huyết áp, loạn nhịp tim… cũng có thể xảy ra. Nghiêm trọng hơn, thuốc tiêu huyết khối nếu dùng quá liều có thể gây xuất huyết nội tạng nặng ở đường tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu…
- Thuốc cải thiện tuần hoàn não: Piracetam gây mất ngủ, đau đầu, kích động, căng thẳng, mệt mỏi, khó thở, sưng và sốt... Hay với cinnarizin, thuốc sẽ gây buồn ngủ, đau miệng, khô họng, nặng hơn có thể bị dị ứng…
- Thuốc hạ huyết áp: Nhóm thuốc này có thể làm suy giảm chức năng gan, thận, mật; Ảnh hưởng đến dạ dày và gây ho khan kéo dài.
- Thuốc giảm đau đầu: Các loại thuốc giảm đau đầu nếu dùng quá liều hoặc kéo dài có thể gây ra những triệu chứng như: Phát ban, khó thở, sưng phù mặt hoặc họng, buồn nôn, đau dạ dày, ăn không ngon miệng, vàng da… Bên cạnh đó, paracetamol – loại thuốc giảm đau điển hình, cũng tương tác với rượu và nhiều loại thuốc khác, có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng.
Thuốc điều trị thiếu máu não có nhiều tác dụng phụ khi sử dụng
>>> Xem thêm: Triệu chứng thiếu máu não bạn không nên bỏ qua