Tìm hiểu về các cách bấm huyệt chữa chóng mặt
Thực tế, có rất nhiều cách chữa chóng mặt bằng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt. Dưới đây là cách xác định một số huyệt thường được áp dụng trong bấm huyệt trị chóng mặt để bạn tham khảo:
- Huyệt an miên: Nằm ở sau tai, cạnh xương lôi, nằm cách tai khoảng 1,5 cm, giữa 2 huyệt phong trì (nằm chính hõm sâu nhất sau gáy, bên trên bờ chân tóc) và huyệt ế phong (nằm sau góc hàm, ở đầu dưới của dái tai). Huyệt an miên có tác dụng định chí, an thần, chống rối loạn thần kinh, hỗ trợ giấc ngủ…
Bấm huyệt an miên chữa chóng mặt
- Huyệt thái khê: Huyệt này ở cổ chân, nằm giữa đường thẳng nối đỉnh mắt cá trong giao với bờ ngoài gân gót. Huyệt thái khê có tác dụng thanh nhiệt, tráng nguyên dương…
- Huyệt thái xung: Có vị trí nằm ở kẽ ngón chân cái và ngón chân thứ 2, cách kẽ ngón chân dịch thẳng lên mu chân khoảng 3 - 4cm ở người lớn. Khi bấm huyệt này, dùng đầu ngón tay cái miết từ kẽ ngón chân lên trên, khi ngón tay mắc lại do vướng vào kẽ của hai xương bàn chân thì đấy chính là huyệt.
- Huyệt thính cung: Nằm ở trên má, phía trước bình tai, khi há miệng phía trước bình tai có chỗ trũng chính là huyệt. Huyệt vị này có tác dụng tuyên nhĩ khiếu, thường được tiền nhân chọn dùng để chữa các bệnh về tai.
>>> Xem thêm: Chóng mặt khi thay đổi thời tiết
Có nên chữa chóng mặt bằng cách bấm huyệt không?
Như chúng ta đã biết, bấm huyệt là phương pháp xoa bóp bao gồm việc tạo áp lực khác nhau lên các huyệt vị trên cơ thể để chữa bệnh. Bấm huyệt không dùng thuốc lại đơn giản nên rất an toàn, ít gây tác dụng phụ như các thuốc điều trị.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bấm huyệt có thể giảm đau, tăng cường thư giãn và giúp ngủ ngon hơn. Đối với các bệnh lý thần kinh, não bộ, việc nhận diện đúng huyệt đạo để xoa bóp sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu, từ đó giảm căng thẳng, mệt mỏi, chữa trị hiệu quả chứng chóng mặt, đau đầu và buồn nôn.
Bấm huyệt chữa chóng mặt có hiệu quả không?
Mặc dù bấm huyệt chữa chóng mặt đã mang lại những lợi ích to lớn cho người bệnh nhưng nó chỉ có giá trị như một liệu pháp bổ sung để làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bởi bản chất chóng mặt không phải bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh như: Thiếu máu não, rối loạn tiền đình... do đó, bấm huyệt không thể tác động đến mọi nguyên nhân nên chỉ trong một số trường hợp mới cho hiệu quả nhất định.
>>> Xem thêm: Phân biệt rối loạn tiền đình và thiếu máu não
Bấm huyệt chữa chóng mặt cũng như nhiều phương pháp khác cần được thực hiện thường xuyên mới đem lại hiệu quả. Hơn tất cả, ăn uống và tập luyện khoa học để cơn chóng mặt không còn làm phiền bạn mỗi ngày!